Làng lụa Hà Đông hay chính là Làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ xa xưa, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam.

Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn.

Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình. Làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống. "Lụa Hà Đông" cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại.

Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1200 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của tướng quân Cao Biền theo chồng sang nước Nam cai trị. Bà ở hành cung ngoài thành Đại La và đi thăm thú các nơi. Đến trang Vạn Bảo,( Nay là làng Vạn Phúc do tên cũ trùng với tên vua nhà Nguyễn nên phải đổi) thấy dân tình hiền hoà, lại có cảnh đẹp bên dòng sông Nhuệ nên bà ở lại, dạy dỗ nhân dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng.

Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia... Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho đất nước.

Trong quá khứ, lụa Vạn Phúc đã được lựa chọn là một trong những vật phẩm cao cấp dành cho vua chúa và quan lại. Trong thời kì thuộc Pháp, lụa Vạn Phúc còn theo chân những người nghệ nhân tới tham dự các cuộc đấu xảo ở Marseille, Paris ... và từ đó, lụa Vạn Phúc bắt đầu được biết đến trên toàn thế giới. Trong các loại lụa cổ truyền Vạn Phúc, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân, một loại lụa tưởng chừng như đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân làng nghề, đặc biệt là sự đóng góp của nghệ nhân dân gian Triệu Văn Mão.

Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý ... khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.