Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội. Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ gần 16 vạn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 2 bảo vật quốc gia (Máy bay MIC21 số hiệu 5121 và xe tăng T54B số hiệu 843). Trong khuôn viên Bảo tàng còn có di tích Cột cờ Hà Nội, đây là di tích kiến trúc cổ độc đáo, đã được xếp hạng di tích kiến trúc lịch sử quốc gia năm 1990.

Lịch sử hình thành và phát triển

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Trong muôn vàn khó khăn của một nhà nước mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến việc khôi phục bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của dân tộc. Ngày 23/11/1945, Người đã ký ban hành sắc lệnh số 65/SL-TN về bảo tồn di sản văn hóa. Đây là sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.

Thực hiện sắc lệnh này, trong kháng chiến chống Pháp, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng thu thập, lưu giữ các tài liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm mục đích phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Trên cơ sở những hình ảnh, hiện vật thu thập được, nhiều cuộc triển lãm về thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu được tổ chức tại căn cứ địa Việt Bắc đến chiến trường Nam bộ.

Nhằm phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, cuối năm 1954, Tổng Quân ủy đã có chủ trương xây dựng Bảo tàng Quân đội.

Đầu năm 1956, Đề án xây dựng Bảo tàng Quân đội được Tổng Quân ủy thông qua. Để thực hiện Đề án này, ngày 17/7/1956, Tổng cục Chính trị thành lập Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội trực thuộc Cục Tuyên huấn. Ngày 17/7/1956 trở thành ngày truyền thống của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Ngày 15/5/1964, Phòng Bảo tàng Quân đội được đổi tên thành Viện Bảo tàng Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ: Nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và tuyên truyền giáo dục truyền thống, đồng thời tham mưu giúp Tổng cục Chính trị chỉ đạo hoạt động bảo tàng, nhà truyền thống toàn quân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời mới thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tổ chức, biên chế và nhiệm vụ của Viện Bảo tàng có nhiều thay đổi, một số cán bộ chuyển ngành, chuyển công tác và phục viên. Nhiệm vụ chính của Bảo tàng sau chiến tranh là thu hồi hiện vật sơ tán ở các địa phương tập trung về Hà Nội, tranh thủ sưu tầm hiện vật ở các chiến trường; củng cố, nâng cấp, sửa chữa hệ thống trưng bày phục vụ khách tham quan.

 

Cách trưng bày

Người tới thăm được dẫn dắt bởi lối "theo dòng lịch sử". Đầu tiên khách có thể theo dõi và cảm nhận được sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ những đội Xích vệ (tự vệ đỏ) của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tới khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ rồi đến cuộc kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ, và cuộc kháng chiến chống Mỹ với kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh vào mùa xuân năm 1975.

 

Hiện vật trưng bày

Rất nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử được trưng bày tại đây, có thể kể đến như: chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ; máy bay MiG-19, MiG-21 và tên lửa Sam 2 và Sam 3 trong chiến dịch chống Mỹ, những chiếc chông tre bình dị mà hữu dụng cho tới chiếc xe tăng của binh đoàn cơ giới tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975, đặc biệt là chiếc xe tăng đã tiến vào Dinh Độc Lập ở chính giữa gian phòng.