Chợ nón họp trong làng Chuông, một ngôi làng nhỏ bên dòng sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội trên 30 km, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Chợ làng Chuông họp từ rất sớm. 6h sáng đã có đông đảo người dân trong làng đến họp. Chợ họp ngay trong sân chùa Chuông. Từ khắp chợ, người người vui vẻ mang theo những sản phẩm của mình đến đây tụ họp. Chợ họp nhanh, ồn ào, náo nhiệt rồi nhanh chóng tan sau hơn 3 tiếng đồng hồ. Người đi chợ phải đi từ rất sớm, kẻ muốn đến chơi cũng phải chạy đến từ sớm tinh mơ, để hưởng cái không khí náo nhiệt của chợ nón.

Để có được một chiếc nón vừa đẹp, vừa nhẹ lại vừa bền phải qua rất nhiều bước cầu kỳ. Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó, lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn không rách. Vòng nón làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn.

Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Tiếp theo người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khâu xong tháo ra còn phải cắt hết riềm thừa. Cuối cùng là công đoạn hơ, người ta hơ nón bằng hơi diêm để màu nón trở nên trắng muốt và không mốc.

Nắng lên! Những chiếc nón trắng phơi mình dưới ánh nắng sớm. Ngồi ghé bên quán nước đầu làng, thấy xốn xang với cái không khí vui vẻ, hồ hởi của miền quê. Bát nước vối mát, cái kẹo lạc ngòn ngọt, miếng ổi xanh, quạt mo phe phẩy trong cái nắng nhảy nhót, thế là có một buổi sáng đầy ý nghĩa và vui vẻ, sau những ngày tất bật dọc ngang của cuộc sống.

Giá nón bây giờ đã tăng được chút xíu, trung bình từ 15.000 đến 30.000 đồng một chiếc. Nhiều người nước ngoài yêu quý chiếc nón lá Việt còn tìm về tận làng để mua làm quà. Dù cuộc sống có biến đổi mạnh mẽ đến đâu đi nữa thì vành nón trắng nghiêng nghiêng cùng tà áo dài duyên dáng vẫn sẽ mãi mãi là biểu tượng văn hoá đặc sắc của người Việt Nam.