Cầu đón nắng ban mai


 

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết, cầu Thê Húc - Hà Nội màu son, như dải lụa đào, vắt qua làn nước xanh của Hồ Hoàn Kiếm bên cạnh những liễu rủ, cành đa cổ tích, nối phố xá ồn ào với đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc tĩnh lặng.

Năm 1865, Thần Siêu tức nhà giáo, quan án sát Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu bổ ngôi chùa nhỏ trên đảo Ngọc, ông cho bắc cây cầu son làm lối vào đền, mà hình dáng vẫn còn đến ngày nay. Gần một thế kỷ rưỡi trôi qua, cầu gỗ ngày xưa đã được thay bằng ximăng cốt sắt nhưng vẫn mang dáng dấp cây cầu son đỏ cổ xưa kia. Du khách đến Hà Nội rất thích thú khi bước lên những tấm ván gỗ cầu Thê Húc cong cong, đặt hai bàn tay lên lan can, phóng tầm mắt xuống hướng nam ngắm tháp Rùa trầm mặc.
 


 

Từ khi Hồ Hoàn Kiếm còn là Tả Vọng và Hữu Vọng, đường vào đảo Ngọc chỉ có chiếc cầu tre rung rung mặt sóng, mà ta vẫn có thể gặp những con cầu như thế trên vùng Nam Bộ lắm mương máng. Ðúng như ca dao, sóng nước chỉ rộng ngang tầm dải yếm. Xưa nay, dải yếm bao giờ cũng có sức hút lạ kỳ, từ dải yếm bắc cầu đến dải yếm hoa đào hoa lý. Chính vì thế, cây cầu này cũng nhỏ, đẹp như dải yếm đào bên hồ.

Ông Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, sở dĩ chiếc cầu được gắn liền với màu sơn đỏ bởi lẽ: Cầu Thê Húc hướng về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời mọc để đón được toàn vẹn nguồn dưỡng khí ấy. Với ý nghĩa đó, nên xưa nay cây cầu mang màu đỏ - màu của sự sống, của mọi nguồn hạnh phúc, của ước vọng truyền đời từ thời cổ đại đến nay.

Cầu Thê Húc được coi là biểu tượng của thần Mặt Trời. Cầu bằng gỗ, cột gỗ đỡ cầu, chân choãi ra, tự ghim vào lòng hồ, tay vịn cũng có những chữ nhân bắt chéo, chia ra từng ô nhỏ gần giống như ô tướng sĩ bàn cờ người ngày hội. Cầu có thiết kế cong cong và uốn luợn như hình con tôm.

Cầu gỗ của miền Bắc Bộ


 

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Hùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết chiếc cầu Thê Húc lúc đầu làm rất đơn sơ. Nó chỉ là chiếc cầu ao, đóng mấy cái cọc tre nhỏ làm trụ, phía trên rải mấy tấm gỗ mỏng để đi lại. Thực chất ban đầu đây là chiếc cầu ao dùng làm nơi rửa chân cho người dân quanh vùng. Cầu được làm thẳng tắp và chưa có độ cong nào như bây giờ. Giờ đây, cây cầu được làm cong, uốn lượn như hình con tôm cũng làm tăng thêm độ thẩm mỹ của cầu. Tuy nhiên, nhiều người chê nếu cong nhiều sẽ làm khuất đi hình dáng và thế của cầu nếu nhìn từ xa.

Cầu Thê Húc ban đầu được làm theo nét văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là đặc điểm gia đình nào cũng có một chiếc ao và làm cầu ao để mỗi khi đi làm đồng về thuận tiện cho việc rửa chân, giặt giũ quần áo.

Kết cấu cầu Thê Húc mang nhiều nét kiến trúc cổ xưa. Nó được phỏng theo hình một chiếc nhà gỗ của người dân vùng châu thổ Sông Hồng. Nếu như làm nhà cần có mộng, trụ giá, cột, khóa giang... như bộ khung nhà thì cầu Thê Húc cũng được thiết kế như vậy. Trên là nhà, dưới là cầu, "thượng gia, hạ kiều," những ngôi chùa ngoài ao hồ nổi tiếng hiện nay cũng được thiết kế dựa trên kiến trúc cầu Thê Húc như cầu Ngói ở Huế, khu du lịch Hội An, chùa Thầy ở Sài Sơn, Hà Nội...

Đã từng bị gãy

Ông Hùng cho hay, những loại gỗ được làm trên cầu Thê Húc hiện nay được đánh giá là những loại gỗ tứ quý như đinh, lim, sến, táu. Điểm quan trọng nhất làm cầu là trụ cầu, phải chọn được những thân cây đinh, lim to chắc, tuổi thọ của những cây gỗ này cũng phải cao mới chịu được lực và chống được độ mục nát trong môi trường nước. Ở giữa cầu cũng được lát bằng lớp hỗ lim rắn chắc. Hai bên thành cầu được làm pha trộn bởi gỗ sến và táu vừa cứng rắn, vừa dẻo dai.
 


 

Cũng theo ông Hùng, cây cầu Long Biên dù là dấu ấn của nền văn minh Pháp quốc cũng đang bị xuống cấp, tương lai gần sắp thành bảo tàng, không thể hoạt động được nữa huống hồ gì cây cầu Thê Húc chỉ làm bằng gỗ. Kết cấu cây cầu Thê Húc được thiết kế chất liệu bằng gỗ, xét về tuổi thọ không thể vững chắc bằng bêtông, cốt thép. Năm 1953, nhiều người đi du xuân qua cầu nên cầu bị gãy. Cây cầu hiện nay đã được sửa lại và làm bằng trụ ximăng