Hồ Tây trở thành điểm hẹn, để người ta tìm đến như một quán tính. Ðường Thanh Niên hay còn có cái tên đường Cổ Ngư rất đẹp trước đây là ranh giới giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, từ sau buổi vãn chiều rất đông người qua lại. Có người tìm cho mình một góc nào đó ở bên hồ để hóng gió, nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường, thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng, ăn một ly kem; vào những nhà hàng sang trọng nằm ở mép hồ hay giữa hồ, hoặc trên du thuyền... Cũng có người chỉ thích dạo quanh hồ để hít hà không khí trong trẻo rồi lại đi đâu đó hoặc trở về nhà. Ðông nhất là những ngày cuối tuần. Dòng người đổ về Hồ Tây nhiều khi ùn tắc cả một đoạn dài đường Thanh Niên. Trên boong tàu lớn nơi mặt hồ, có một đôi uyên ương đang tươi cười hạnh phúc trong ngày cưới giữa bao lời chúc phúc của người thân, bè bạn. Bên bờ, ở một ghế đá nào đó có cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm ba toong ngước về phía bờ Tây ngắm hoàng hôn xuống...

Hồ Tây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Quanh hồ hiện có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá... Nhiều ngôi chùa, đền là thế, nhưng có lẽ người Hà Nội, khách du lịch vẫn tìm đến đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Người người đến đây chẳng những được thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa mà còn cầu may, cầu phúc... đông nhất là vào những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng và ngày lễ, Tết. Phía tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một địa danh, một trầm tích lịch sử.